Bài viết được dịch bởi bạn Vũ Cường
Group : QRVN
1001
#Google #CorporateCulture #CensoredSearch #Government #vmc #j2team_share #j2team_discussion
Tôi Từng Là Giám Đốc Quan Hệ Quốc Tế của Google. Đây Là Lý Do Khiến Tôi Rời Bỏ Công Ty.
Ross LaJeunesse
[Link gốc]
https://medium.com/@rossformaine/i-was-googles-head-of-international-relations-here-s-why-i-left-49313d23065
Length: 3200 word
============
Trước đây, khẩu hiệu của công ty là “Don’t be evil” (Đừng làm điều ác). Mọi chuyện giờ đã thay đổi rồi.
Khi tôi rời văn phòng mình vào ngày cuối cùng với tư cách là Giám Đốc Quan Hệ Quốc Tế của Google, tôi chẳng thể ngừng nghĩ về cái hôm đầu tiên mình đến công ty. Tôi đã từ bỏ một văn phòng đẹp đẽ được ốp gỗ, một bộ vét với cà vạt cùng vị trí Tham Mưu Phó của Thị Trưởng Schwarzenegger chuyên trách vấn đề quan liêu tại California để đổi lấy một chiếc laptop, mấy cái quần jean và lời hứa hẹn rằng tôi sẽ làm cho thế giới này trở thành một nơi tốt đẹp hơn, bình đẳng hơn theo một câu tuyên ngôn đơn giản nhưng vô cùng mạnh mẽ, “Đừng làm điều ác”.
Tôi gia nhập Google vào năm 2008, khoảng thời gian mà những lời ấy vẫn còn rất giá trị. Tôi đã chứng kiến chiếc kim chỉ nam ấy định hướng cho các thiết kế sản phẩm đặt thành công của công ty lên trên sự riêng tư người dùng, ví dụ như trong quá trình phát triển mạng xã hội xấu số của Google, Buzz. Tôi cũng nhớ lại câu đó vào năm 2010 khi đang làm Giám Đốc Chính sách Công khu vực châu Á Thái Bình Dương, lúc thực thi quyết định lịch sử của công ty về việc chấm dứt kiểm duyệt những Kết quả tìm kiếm tại Trung Quốc, đồng thời đặt quyền con người lên trên hết.
Google lần đầu gia nhập thị trường Trung Quốc vào năm 2006. Vào lúc đó, các nhà sáng lập, Larry Page và Sergey Brin đã nói rằng Google sẽ chỉ ở lại nếu như công ty có thể tạo ra nhiều lợi ích hơn là thiệt hại thôi — và rằng người dùng đang có thêm nhiều thông tin hơn bao giờ hết, dù nhiều chủ đề vẫn còn bị kiểm duyệt. Nhưng sau nhiều năm trời, danh sách những thứ mà chính phủ Trung Quốc yêu cầu chúng tôi kiểm duyệt đã tăng lên nhanh chóng. Tới khi chính phủ Trung Quốc cố gắng hack vào các tài khoản Gmail của những người ủng hộ nhân quyền vào năm 2009, Larry và Sergey phải suy nghĩ lại về quyết định năm 2006 hồi nào. Sau nhiều cuộc họp khá căng thẳng với các giám đốc khác, họ nhất trí rằng cách duy nhất để tiếp tục cung cấp dịch vụ tìm kiếm ở Trung Quốc nhưng vẫn có thể làm theo khẩu hiệu “Đừng làm điều ác” ấy là ngừng tuân thủ những yêu cầu về kiểm duyệt của chính phủ.
Chúng tôi biết rằng hành động này sẽ là đối đầu với chính phủ một cách công khai, dù chưa rõ chuyện sẽ tệ tới mức nào. Tại Trung Quốc, chính phủ không chỉ yêu cầu được tiếp cận đầy đủ với dữ liệu người dùng và cơ sở hạ tầng của một công ty, họ còn muốn các công ty hợp tác toàn diện để đảm bảo rằng người dùng Trung Quốc chỉ có thể thấy các nội dung tuân thủ theo tiêu chuẩn của mình mà thôi. Ví dụ, với một sản phẩm Maps, chính phủ yêu cầu rằng các ký hiệu với thông tin địa lý cần được họ phê duyệt trước đã, và bất kỳ dữ liệu nào do người dùng cung cấp đều phải được công ty kiểm soát chặt chẽ để tránh những thứ họ coi là “có vấn đề” được tung lên, việc làm này nhiều lúc rất khó thực hiện.
Quyết định chấm dứt hợp tác với những yêu cầu kiểm duyệt của chính phủ Trung Quốc của chúng tôi đã tạo ra ngoại lệ, lần đầu tiên một tập toàn ngoài đại lục dám đối đầu với họ đấy. Bằng hành động đó, Google đã phải đối mặt với nguy hiểm lớn — mạo hiểm tương lai của công ty trong thị trường internet tăng trưởng nhanh chóng này, hàng tỷ đô la lợi nhuận cùng cả sự an toàn của những nhân viên công ty đang có mặt tại Trung Quốc. Đã có lúc, tôi bắt đầu lên kế hoạch sơ tán tất cả nhân viên Google tại Trung Quốc cùng gia đình của họ cơ đấy. Dù rất khó khăn song tôi tự hào về cách làm việc rất nguyên tắc mà công ty đã thực hiện khi đưa ra quyết định này.
Tuy nhiên, quyết định ấy không chỉ khiến chính phủ Trung Quốc phẫn nộ mà còn làm rất nhiều giám đốc sản phẩm của Google thất vọng khi nhìn vào thị trường khổng lồ kia cùng lợi nhuận lớn lao của nó. Thực tế thì, trong vòng một năm kể từ quyết định năm 2010, các giám đốc liên quan đến sản phẩm Maps và Android đã bắt đầu hối thúc việc đưa các sản phẩm của họ vào Trung Quốc. Tôi kịch liệt phản đối các kế hoạch này khi biết rằng việc thay đổi trong định hướng kia sẽ khiến chúng tôi đồng lõa với các vi phạm quyền con người, và gây ra phẫn nộ trong cộng đồng và cả vài chính phủ phương tây đã ủng hộ chúng tôi hồi năm 2010 nữa. Tôi cũng giải thích rằng sẽ chẳng kế hoạch nào đi đến đâu đâu, bởi lẽ chính phủ Trung Quốc đã rất phẫn nộ với chúng tôi rồi, họ sẽ từ chối gặp gỡ thảo luận về những dự án đó. Trên thực tế, trong vòng hai năm sau đó, chính phủ Trung Quốc chỉ đồng ý gặp chúng tôi một lần. Những nhân viên bình thường trong Bộ Đất đai và Tài nguyên đã lịch sự lắng nghe khi chúng tôi xin phép triển khai một sản phẩm Maps. Và khi chúng tôi quả quyết rằng sản phẩm này cũng sẽ không tuân thủ theo các quy tắc kiểm duyệt, họ đã không hồi đáp lại những yêu cầu tiếp đó nữa.
Sau khoảng gần ba năm hoạt động ở châu Á, công ty bổ nhiệm tôi làm Giám Đốc Quan Hệ Quốc Tế vào cuối năm 2012. Vị trí này chịu trách nhiệm cho quan hệ của Google với những nhà ngoại giao, xã hội và các tổ chức quốc tế như LHQ cùng các vấn đề toàn cầu như thương mại, quản lý internet và tự do ngôn luận. Kinh nghiệm cùng trách nhiệm của tôi ngày một tăng, còn công ty lại tăng trưởng về quy mô và doanh thu — từ một công ty vốn đã to lớn và thành công trở thành gã khổng lồ công nghệ tiếp xúc với cuộc sống hằng ngày của hàng tỷ người trên khắp thế giới. Số lượng nhân viên cũng tăng lên nhanh chóng, công ty tuyển dụng những nhân viên cùng các giám đốc mới để phát triển những sản phẩm và theo đuổi nhiều ngành khác nhau len lỏi vào từng ngóc ngách trên toàn cầu, ví dụ như Điện toán đám mây.
Trong vai trò mới của mình, nhóm của tôi tiếp tục làm việc với các giám đốc sản phẩm, những người đã rất thất vọng khi thấy sự phát triển thần tốc của thị trường Trung Quốc và liên tục hối thúc công ty gia nhập lại thị trường này. Tôi đã ý thức được mọi chuyện khi biết vào năm 2017 công ty chuẩn bị xây dựng một phiên bản Tìm kiếm bị kiểm duyệt dành riêng cho Trung Quốc với tên mã là “Dragonfly” (chuồn chuồn). Nhưng Dragonfly chỉ là một trong số nhiều thứ khiến những người vẫn tin tưởng vào khẩu hiệu “Đừng làm điều ác” như chúng tôi phiền lòng. Tôi cũng lo rằng các giám đốc chuyên về Cloud đang chủ động theo đuổi các hợp đồng với chính phủ Ả Rập, và từ đấy tạo ra một kỷ lục ghê rợn liên quan tới các vi phạm quyền con người. Họ không hề giấu diếm chuyện muốn thuê nhóm chính sách của riêng mình, từ đó họ có thể chặn bất kỳ đánh giá nào về hợp đồng của mình do nhóm tôi đưa ra. Cuối cùng thì, vào tháng 12, 2017, Google thông báo về sự ra đời của Trung Tâm Trí Tuệ Nhân Tạo Google tại Bắc Kinh — tôi đã hoàn toàn ngạc nhiên, đồng thời cũng nhận thức rõ được rằng mình chẳng thể nào gây ảnh hưởng tới việc phát triển sản phẩm cũng như các hợp đồng mà công ty đang theo đuổi nữa.
Giải pháp của tôi là ủng hộ việc áp dụng Chương Trình Quyền Con Người một cách chính thức trên tòan bộ công ty từ đó cam kết với tất cả mọi người rằng Google sẽ tuân thủ các nguyên tắc về quyền con người mà LHQ đã đề ra, đồng thời tạo ra cơ chế đối với các sản phẩm và các nhóm kỹ sư để họ có được những đánh giá nội bộ về việc thiết kế sản phẩm, từ đấy chuẩn hóa việc sử dụng các Đánh Giá Tác Động Tới Quyền Con Người đối với tất cả những lần phát hành sản phẩm và gia nhập thị trường.
Nhưng cứ mỗi lần tôi nhắc tới Chương Trình Quyền Con Người nào đó, các giám đốc cấp cao lại đưa ra một cái cớ để từ chối. Đầu tiên, họ bảo rằng tốt hơn nên kiểm soát vấn đề quyền con người trong nội bộ nhóm sản phẩm hơn là bắt đầu một chương trình riêng biệt. Nhưng những nhóm đó lại không được huấn luyện cách giải quyết các vấn đề đó trong công việc của mình. Khi tôi quay trở lại gặp các giám đốc cấp cao để thảo luận chuyện này, họ đã nói lên nỗi lo rằng trách nhiệm pháp lý của công ty sẽ ngày một tăng. Chúng tôi đưa ra những ý kiến của chuyên gia bên ngoài tái khẳng định rằng nỗi lo đó là vô căn cứ. Tới mức này rồi, đột nhiên một người đồng nghiệp lại được chỉ định để điều hành các cuộc thảo luận của nhóm chính sách về Dragonfly. Với tư cách là một người luôn luôn ủng hộ cách tiếp cận tuân thủ chặt chẽ quyền con người, tôi đã bị gạt ra ngoài lề cuộc tranh luận có nên tung ra Dragonfly hay không. Sau đó tôi nhận ra công ty chưa bao giờ có ý định đưa các quy tắc về quyền con người vào những quyết định liên quan tới sản phẩm của mình. Chính lúc Google cần phải có trách nhiệm hơn trong việc tuân thủ quyền con người, họ lại quyết định theo đuổi những món lợi nhuận to lớn và một mức giá cổ phiếu cao hơn.
Lúc ấy, văn hóa công sở cũng chẳng có gì khác biệt. Những người đồng nghiệp có kinh nghiệm lại chèn ép, la mắng những phụ nữ trẻ, khiến họ bật khóc ngay tại bàn làm việc. Tại một cuộc họp toàn thể, sếp tôi bảo, “Giờ thì mấy tay châu Á các anh cũng định nói gì cơ đấy. Tôi biết các anh không thích đặt câu hỏi đâu mà”. Ở một cuộc họp toàn thể khác, toàn bộ đội chính sách đã được đưa vào nhiều phòng và được yêu cầu tham gia vào một “hoạt động tập thể”. Họ đưa tôi vào nhóm có tên là “đồng tính” còn các thành viên kia lại phải mang những cái tên như “ẻo lả”, “lăng nhăng”. Nhưng đồng nghiệp da màu lại bị bắt tham gia vào nhóm có tên là “Người Á” và “Da nâu” trong mấy căn phòng kế bên.
Trong từng trường hợp một, tôi đều đưa vấn đề tới ban nhân sự và các giám đốc cao cấp và họ đều bảo rằng mọi chuyện sẽ được giải quyết. Vậy mà chẳng có hành động nào được thực hiện cả — cho tới một ngày tôi vô tình có được một bản copy của email từ một giám đốc nhân sự cao cấp. Trong email đó, vị giám đốc nói với một người đồng nghiệp rằng có vẻ tôi lo lắng hơi quá mức về những vấn đề kiểu này và lệnh cho cô ấy “dò xét” tôi kỹ một chút.
Và rồi, dù nổi tiếng là một trong những quản lý xuất sắc của công ty, dù đã được đánh giá rất cao sau 11 năm làm việc với điểm số gần như tuyệt đối từ những đánh giá hoạt-động-360-độ của Google và là thành viên ưu tú của Chương Trình Dự Bị dành cho những “tài năng quan trọng nhất” của Google, những người là “chìa khóa cho thành công hiện tại và tương lai” của công ty, họ vẫn bảo với tôi rằng sẽ chẳng còn chỗ cho tôi vì lý do “tái cơ cấu”, mặc dù còn tới 90 vị trí trong nhóm chính sách đang cần người lúc bấy giờ.
Khi tôi thuê luật sư, Google lại nhẹ nhàng bảo rằng có hiểu nhầm thôi, và tôi được đề nghị vào một vị trí bình thường để giữ im lặng. Nhưng đối với tôi, con đường đã quá rõ ràng rồi. Tôi đã đi như vậy đó. Việc đấu tranh vì phụ nữ, cộng đồng LGBTQ, vì những người đồng nghiệp da màu và quyền con người đã khiến tôi mất hết sự nghiệp của mình. Có lẽ chẳng cần thêm bằng chứng nào nữa để thấy rằng cái câu “Đừng làm điều ác” đã không còn phản ánh được giá trị thực sự của công ty nữa; giờ nó chỉ là một thứ đồ marketing cho công ty thôi.
Nhiều lần mọi người ta hỏi tôi từ lúc trở về, “Điều gì đã thay đổi vậy”?
Đầu tiên là con người. Các sáng lập viên, những người có tầm nhìn đứng sau công ty, Larry Page và Sergey Brin, đã rảnh rỗi rồi, họ nhường lại việc quản lý cho những giám đốc cấp cao mới. Công ty thuê một CEO mới để điều hành Google Cloud, cả một CFO mới đến từ Wall Street nữa, và chìa khóa chính ở đây là phải vượt mức doanh thu kỳ vọng vào mỗi quý. Mỗi năm, hàng nghìn nhân viên mới được tuyển dụng, và những ai muốn duy trì các giá trị, văn hóa gốc của công ty đều phải rất vất vả. Khi tôi mới vào, chỉ có dưới 10000 Googler mà thôi. Lúc tôi đi, con số đã là trên 100000 rồi.
Thứ hai, đó là sản phẩm. Chắc có người sẽ bảo rằng Google là một diễn viên tồi, và chẳng hề có đủ các hoạt động bảo mật minh bạch đâu. Nhưng lại có sự khác biệt rất lớn giữa chuyện chạy quảng cáo dựa trên một lần tìm kiếm Google và bàn với chỉnh phủ Trung Quốc về trí tuệ nhân tạo hay ra các ứng dụng dành cho chính quyền Ả Rập, bao gồm ứng dụng Absher cho phép đàn ông theo dõi và kiểm soát chuyển động của các thành viên nữ trong gia đình họ. Các giám đốc quyết tâm muốn chiếm được doanh thu từ điện toán đám mây của Microsoft, Oracle, và Amazon gần như không chịu dành thời gian lắng nghe khi chúng tôi tranh luận một cách có nguyên tắc trước khi họ tung ra các ứng dụng và dữ liệu của bất kỳ khách hàng nào sẵn sàng chi tiền.
Tôi cho rằng câu hỏi quan trọng ấy là điều gì khiến một trong những gã khổng lồ của nước Mỹ thay đổi nhanh chóng đến vậy. Có phải hệ quả tất yếu trong văn hóa doanh nghiệp coi trọng sự tăng trưởng cùng lợi nhuận hơn là ảnh hưởng tới xã hội và trách nhiệm hay không? Liệu có liên hệ gì với sự xuống cấp bám lấy chính phủ liên bang của ta bấy lâu nay không? Hay là một phần xu hướng của những nhà lãnh đạo “tay to” chuẩn bị nắm những quyền lực có thể gây ảnh hưởng tới toàn cầu, nơi mà câu hỏi liên quan tới “đúng” hay “sai” bị sở thích và tư lợi của cá nhân làm lu mờ? Cuối cùng thì, ảnh hưởng với tất cả chúng ta là gì khi mà cái công ty Mỹ từng-rất-vĩ-đại kia lại kiểm soát được quá nhiều dữ liệu của hàng tỷ người dùng trên khắp toàn cầu như thế?
Mặc dù rất đáng tranh luận về nguyên nhân cũng như ảnh hưởng của vấn đề này, song tôi chắc chắn rằng người ta sẽ phản ứng lại ra sao rồi. Các công ty công nghệ khổng lồ kiểu Google không nên được phép hoạt động tự do, không chịu sự kiểm soát từ chính phủ như vậy nữa. Ngay khi Quốc hội chất vấn các giám đốc Google về Dự án Dragonfly và cam kết của Google đối với tự do ngôn luận và quyền con người, họ đã làm dịu Quốc hội rằng dự án chỉ mang tính thử nghiệm và sẽ được kết thúc sau đó.
Vai trò của những công ty như vầy trong cuộc sống hằng ngày của mỗi chúng ta, từ cách ta bầu cử cho tới việc giáo dục và giải trí cho con cái mình, là quá lớn lao để có thể phó mặc vào tay một vài vị giám đốc chỉ phải chịu trách nhiệm với những cổ đông lớn của mình. Trong trường hợp Google, Amazon, Facebook và Snap thì ấy chỉ là vài người trong nội bộ cùng các sáng lập viên của công ty mà thôi.
Hai tuần sau khi rời Google, tôi đã về nhà mình ở Maine. Ấy là nơi tôi sinh ra và lớn lên, cũng là nơi tôi học được những giá trị cơ bản như tầm quan trọng của sự chăm chi, dám đấu tranh vì lẽ phải và nói ra sự thật. Khi chia sẻ câu chuyện này cùng hàng xóm và gia đình mình, tôi đã hiểu được tại sao tôi lại thường mâu thuẫn với các lãnh đạo công ty khi Google dần thay đổi. Có nhiều người ở Maine này và trên khắp đất nước vẫn sống theo khẩu hiệu “Đừng làm điều ác” đấy. Chúng tôi có thể không nói ra câu đó, không có hàng tỷ đô la kinh phí marketing để thuyết phục thế giới về lòng tốt của mình đâu. Nhưng, hằng ngày chúng tôi vẫn thầm nhủ những lời ấy và hi vọng rằng chính phủ cùng các công ty trên cả nước sẽ thực hiện điều tương tự.
#hospital #incident #softwareDesign #error #vmc
Q: Lỗi lầm đắt giá nào do những sai sót từ bàn phím gây ra?
A: Viktor T. Toth, Chuyên gia IT pro, nhà vật lý bán thời gian
=========
Lúc đó là năm 1985 và bạn thì đang phải chịu đựng ung thư. May mắn thay, nhờ phép màu của công nghệ thế kỷ 21, người ta có thể điều trị được chứng ung thư đó. Bệnh viện sở hữu một trong những chiếc máy xạ trị mới nhất, tuyệt vời nhất, chiếc Therac-25, do Atomic Energy of Canada Limited chế tạo. Không như các loại máy trước đó, chiếc Therac-25 được điều khiển hoàn toàn bằng máy tính; sai sót của con người chỉ là chuyện quá khứ mà thôi.
Kỹ thuật viên này sẽ cài đặt cho máy và điều chỉnh lượng phóng xạ. Các ngón tay của cô di chuyển thật nhanh chóng. Cô đã làm việc này nhiều lần rồi mà. Dù vậy, cô ấy hơi mệt mỏi và thi thoảng, các ngón chỉ gõ theo thói quen mà thôi; cô đã vô tình chọn vào điều trị bằng tia-X trước khi nhận ra sai lầm của mình, cô nhanh chóng quay lại mục phía trước bằng cách bấm vào mũi tên chỉ lên trên bàn phím, và gõ một phím E để chọn mục điều trị bằng chùm tia electron, và rồi di chuyển tiếp để hoàn thành việc cài đặt.
Giao diện người dùng của chiếc Therac-25. (Nguồn: MIT, Hands-on Assignment (Therac-25) )
Người ta bảo rằng bạn sẽ chẳng cảm nhận được điều gì đâu. Tuy vậy, khi chiếc máy hoạt động, bạn có cảm giác như thể mình vừa bị nướng và bị sốc điện cùng một lúc vậy. Bạn nhảy khỏi giường điều trị và phóng ra khỏi căn phòng, vừa chạy vừa hét. Chẳng ai hiểu nổi chuyện gì đã xảy ra. Thực tế là, có không ít người nghi rằng bạn tưởng tượng ra mọi chuyện, hơi hoang tưởng, có lẽ là vậy.
Nhưng vào hôm sau, da bạn bắt đầu có dấu hiệu của bỏng bức xạ, và từ đó người ta sớm xác định được rằng bạn đã nhận được một lượng bức xạ có thể gây tử vong. Sức khỏe bạn xấu đi nhanh chóng và rồi cuối cùng, bạn rơi vào tình trạng hôn mê. Vài tuần sau đó, bạn ra đi luôn.
Chiếc Therac-25 sử dụng máy gia tốc electron tuyến tính* phát ra các electron mang năng lượng lớn (lên tới 25 MeV). Các electron này có thể được dùng để xạ trị trực tiếp, hoặc có thể đặt mục tiêu nào đó trên đường đi của chúng, từ đó giảm tốc các electron xuống đồng thời chuyển số năng lượng đó vào tia X (nói chuẩn thì là bức xạ gamma). Tuy nhiên, khi có một mục tiêu như thế, cần phải có được một chùm tia mạnh hơn nhiều, bởi lẽ phần lớn electron sẽ được mục tiêu đó hấp thu; chỉ một phần nhỏ trong số năng lượng của chúng được chuyển thành photon gamma.
Sau nhiều sự cố, một kỹ sư y vật lý cùng một kỹ thuật viên đã làm việc không biết mệt mỏi cùng nhau và cuối cùng, họ đã có khả năng tái hiện lại điều kiện lỗi đó. Chuyện chỉ do vô tình ấn một chữ X trong mục chọn phương pháp trị liệu mà thôi, sau đó di chuyển tới cuối màn hình để nhập các giá trị khác, tiếp đến là nhanh chóng quay lại mục ‘trị liệu’, thay đổi chữ X thành một chữ E, và lại di chuyển con trỏ về phía đáy, tất cả diễn ra trong vòng 8 giây đồng hồ.
Với một kỹ thuật viên thiếu kinh nghiệm, điều này sẽ mất nhiều thời gian hơn thế. Nhưng đối với người đã biết việc rồi, và lại làm việc nhanh trên một bàn phím quen thuộc nữa thì, 8 giây không phải chuyện ít gặp.
Kết quả là: nó đã lựa chọn một chùm tia electron mạnh hơn nhiều, song lại không có mục tiêu ở tại vị trí cần thiết của nó. Chùm tia electron bắn trực tiếp vào bệnh nhân, gây phơi nhiễm phóng xạ chết người.
Thật buồn là, phần mềm thực sự đã hiện lên một điều kiện lỗi, song thông điệp bí ẩn kia ("Malfunction 54") chẳng có ý nghĩa gì với người điều khiển không quen với việc nhìn thấy những thông điệp khó hiểu như thế. Hơn nữa chỉ bằng một nút bấm, người ta có thể xóa tin nhắn đó và cho phép quá trình điều trị tiếp tục.
Giờ bạn hiểu rồi đó. Một lỗi bàn phím đơn giản... và sáu người đã bị thương do chiếc máy nhẽ ra phải chữa trị cho họ, ba người đã chết.
Tất nhiên, không phải do lỗi của người điều khiển. Đó là một thứ phần mềm cẩu thả, kết hợp với sự tự tin thái quá vào máy móc vi tính hóa, từ đấy phá hủy các khóa liên động phần cứng và cho phép máy móc có thể hoạt động sai sót kiểu này.
Chiếc Therac-25 vẫn còn là một bài học đắt giá cho tới tận ngày hôm nay, và không phải chỉ trong thiết kế phần mềm thôi đâu. Các kỹ sư giờ đã đỡ tin tưởng phần mềm hơn rồi, có khi còn nghi ngờ mạnh ấy chứ. Khóa liên động phần cứng chưa ra đi được đâu. Không may là, ba người đã phải trả giá bằng mạng sống của chính mình để dạy chúng ta bài học này.
*Lần trước lúc trả lời câu hỏi này, tôi đã nói rằng chiếc Therac-25 là một máy coban. Tôi không biết mình bị ám kiểu gì mà lại đi nói thế, bởi lẽ tôi có nhiều sách trên kệ nhà mình mô tả chi tiết vụ Therac-25 này.
[SOURCE] QRVN
#j2team_ask #QuoraVietnam #BeNiceBerespectful #DeathClick #BNBR #vmc
Xin chào các bạn J2TEAM!
Mình là Vũ Mạnh Cường, một thành viên hoạt động khá thường xuyên bên Group Quora Việt Nam (QRVN) và cả ở bên J2 chúng mình nữa. Mình đăng post này trình bày với các bạn một việc như sau.
Group Quora Việt Nam là group hoạt động chủ yếu nhờ vào việc dịch những câu trả lời được chọn lọc từ phía Web hỏi đáp là Quora.com – một trong những trang hỏi đáp lớn nhất, nổi tiếng nhất của thế giới. Tiêu chí hoạt động của QRVN cũng đồng nhất với chính sách của Quora ấy là Be Nice Be Respectful – Hãy Tử Tế, Hãy Tôn Trọng.
Những ngày đầu, khoảng 2 năm về trước khi số lượng thành viên còn ít, mọi người hoạt động rất vui vẻ, chia sẻ với nhau những bài viết rất hay và tranh luận cũng rất lịch sự. Nhiều người (có cả chính bọn mình nữa) nhiều lúc khá “oải” vì Quora Việt Nam có vẻ “ít muối” hơn so với nhiều group khác. Song một lý do quan trọng ấy là vì tiêu chí hoạt động của group. Bọn mình không cho phép bất kỳ ai trong group lấy chuyện đùa cợt, nhục mạ người khác làm trò vui cho bản thân mình.
Giờ đây, số lượng thành viên đã tăng lên khá lớn, khoảng 51 nghìn người. Tất nhiên, so với nhiều group thì con số này là nhỏ. Song để duy trì được chính sách BNBR thì con số này đã là khá lớn rồi. Nhất là khi các thành viên ban quan trị trong group của bọn mình còn nhiều công việc riêng khác ngoài QRVN, không thể lúc nào cũng chỉ ngồi chờ xem có ai văng tục / nhục mạ người khác / nói ra những điều mang tính xúc phạm tôn giáo, văn hóa của người khác được.
Vì thế, bọn mình quyết định sử dụng Death Click làm một công cụ hỗ trợ cho việc quản trị group với hi vọng duy trì được chính sách này, duy trì một cộng đồng có thể không phải nơi cuồng nhiệt nhất, nhưng CHẮC CHẮN sẽ là một trong những nơi khiến những con người ở đó luôn cảm thấy thoải mái nhất. Chắc có lẽ nhiều người trong số các bạn từng tham gia đăng bài, bình luận, tranh luận online ít nhiều có thể đồng cảm với bọn mình.
Bọn mình cần một người am hiểu Death Click hỗ trợ bọn mình trong việc cài đặt, vận hành công cụ này bởi hiện tại, ban quản trị chưa có người nào thành thạo việc này cả. Các bạn xem xét giúp đỡ bọn mình nhé! Mọi thắc mắc về chính sách của group sẽ được trả lời trong post này!
Thay mặt ban quản trị Quora Việt Nam, xin cảm ơn các bạn!
Xin phiền admin Mạnh Tuấn xem xét dùm mình !
Thân tag admin Tran Vu và các mod Nguyễn Quang Bình , La Đức Huy bên QRVN.
Thân, Vũ Mạnh Cường!
#j2team_share #iPhone #Android #history #SteveJobs #vmc
Hỏi: Tại sao Steve Jobs chưa từng thích thú ý tưởng hợp tác với Android?
Trả lời: Nadh Poduri, Lập trình viên, Doanh nhân, Bố.
============
"Tôi sẽ dành từng đồng trong số 40 tỷ $ của Apple tại ngân hàng để chống lại chuyện này. Tôi sẽ hủy diệt Android bởi đó là một sản phẩm ăn cắp. Tôi sẽ sẵn sàng tham gia chiến tranh hạt nhân vì chuyện này."
Chà, Steve Jobs đã nói khá rõ về vị trí của mình đối với những điện thoại Android, đúng không nào?
Tại sao ông lại phải hợp tác với Android nhỉ?
Ông căm ghét chính bản thân ý tưởng về Android cho tới tận hơi thở cuối cùng của mình cơ mà.
Android có thể rất ngọt ngào, nhưng đối với Steve, Android là một thứ gì đó đại diện cho sự phản bội lòng tin.
________________________________________
2001
Các sáng lập viên của Google gặp gỡ Steve và hỏi xem liệu ông có muốn làm CEO Google hay không. Steve từ chối một cách lịch sự; tuy nhiên, ông đã đề nghị được làm người hướng dẫn bọn họ.
Steve coi Google là một công ty vĩ đại và chẳng hề có mâu thuẫn gì với tầm nhìn của Apple lúc đó. Tất cả những thứ tốt đẹp và tình bạn giữa hai công ty lúc bấy giờ đều thật hiển nhiên.
2004
Apple bí mật phát triển phiên bản iPhone đầu tiên. Rõ ràng là, ngoài một số rất ít người trong Apple, chả ai biết gì về iPhone.
2005
Google lặng lẽ mua lại Android. Lúc ấy không nhiều người biết chính xác rằng họ làm việc gì. Có nhiều báo cáo nói rằng Android đang xây dựng các phần mềm và hệ điều hành dành cho những thiết bị không dây.
Tôi không biết liệu Steve có hoàn toàn biết rõ về ý định của Google lúc đó hay không bởi quan điểm tiếp theo đây.
2006
Eric Schmidt, người sau đó trở thành CEO Google, tham gia vào hội đồng quản trị của Apple. Điều này giúp chúng ta thấy rằng giữa hai công ty vẫn còn quan hệ đối tác rất tốt đẹp.
Apple và Google đã hợp tác để đưa đưa Google Maps lên những chiếc iPhone sắp ra lò. Apple chia sẻ một vài chi tiết trong thiết kế iPhone với nhóm Google Maps để đảm bảo rằng Google Maps có thể hoạt động tốt trên iPhone.
2007
Apple phát hành iPhone đời đầu và thế giới phát cuồng lên. Và Google, trong khi không biết liệu iPhone trông sẽ ra sao, vẫn chế tạo khuôn mẫu đầu tiên cho Android. Không ngạc nhiên lắm khi trông nó thế này.
Sau đó, Steve thuyết trình về chiếc iPhone. Và Google quyết định ngửa bài và lấn sân thị trường điện thoại di động tới cùng. Ngay sau đó, các kỹ sư của Google ngồi vào bàn thiết kế và bắt đầu tạo ra những chiếc điện thoại cảm ứng.
2008
Tới lúc này, Steve vẫn đang nghĩ rằng Android sẽ chỉ là một thú vui của Google mà thôi. Ông chẳng thèm coi Google là đối thủ cạnh tranh nữa cơ. Nhưng sau đó, ông nhận ra rằng Google rất nghiêm túc trong việc tạo ra được một chiếc điện thoại có khả năng cạnh tranh trực tiếp với iPhone.
Và Steve đã biết được rất rõ rằng mình mong muốn điều gì:
Trong một cuộc họp khá căng thẳng tại Google vào năm 2008, Ngài Jobs giận giữ nói với các giám đốc Google rằng nếu họ phát triển một phiên bản có tính năng cảm ứng đa điểm - tính năng giúp người dùng iPhone điều khiển các thiết bị chỉ bằng ngón tay của mình - ông sẽ khởi kiện.
Tất nhiên, Google chẳng hề chùn bước. Ngành công nghiệp di động lúc ấy đã quá béo bở rồi và mất đi mảng tìm kiếm trên Di động sẽ là một cú giáng mạnh đối với Google. Tìm kiếm đã và đang là miếng cơm của Google mà. Hiển nhiên, Google chẳng chịu buông xuôi chỉ để xoa dịu Jobs.
2009–2010
Các thiết bị chạy Android liên tục được cải tiến. Steve bắt đầu chú ý đến việc máy Android tràn ngập trên thị trường. Ông bắt đầu chỉ trích Google công khai vì đã sao chép iPhone. Sau đó, trong một bài thuyết trình của mình, ông đã phát biểu:
“Họ đã bước chân vào thị trường của chúng ta. Chúng ta còn chẳng tham gia vào việc tìm kiếm nữa cơ mà. Đừng có phạm sai lầm đó, họ muốn giết chết iPhone đấy. Cái chuyện 'Đừng làm kẻ ác' của họ chỉ là một mớ nhảm nhí!”
Và cũng trong tháng đó, vài ngày sau khi Ngài Jobs chế nhạo triết lý 'Đừng làm kẻ ác' của Google, Google đã từ bỏ bất kỳ nỗ lực hòa giải nào: họ đưa ra một bản cập nhật phần mềm cho chiếc Nexus One, thêm khả năng cảm ứng đa chạm và do đó họ đã chính thức bước qua ranh giới mong manh mà Ngài Jobs đã vẽ ra trên cát.
Và đó là cách mà cuộc chiến ấy bắt đầu. Sau cái chết của Steve, tôi cho rằng Tim Cook đã có những các tiếp cận đúng đắn hơn với Google. Và có vẻ như giờ đây, cả hai công ty đã hòa giải với nhau bằng cách nhận ra thị trường của đối phương.
Tại sao Steve Jobs chưa từng thích thú ý tưởng hợp tác với Android à?
Có lẽ vì ông muốn hủy diệt Android :)
https://www.quora.com/Why-was-Steve-Jobs-never-interested-to-collaborate-with-Android/answer/Nadh-Poduri
#programming #softwareTesting #vmc #j2team_share
Hỏi: Nếu được thuê để test một chương trình, bạn sẽ cố làm gì cho nó crash (sập)?
Trả lời: Michal Forišek, giáo viên, nhà khoa học, teacher, scientist, lập trình viên thi đấu
=============
Một tester bước vào một quán bar.
Gọi một cốc bia.
Gọi ba cốc bia.
Gọi 2147483648 cốc bia.
Gọi 0 cốc bia.
Gọi -1 cốc bia.
Chẳng gọi cái khỉ gì.
Gọi một con gấu.
Cố gắng chuồn khi chưa trả tiền.
________________________________________
Khi cố làm một chương trình crash, hãy cho nó những dữ liệu gần với giới hạn: lớn nhất có thể, nhỏ nhất có thể, và/hoặc không hợp lệ.
Tuy nhiên, cố crash một chương trình không phải là điều duy nhất bạn nên làm khi kiểm thử phần mềm. Thường thì câu hỏi quan trọng nhất sẽ là liệu output mà chương trình tạo ra có chính xác hay không.
Như câu chuyện kể trên, khi kiểm thử một phần mềm, bạn nên làm hai việc chính. Đầu tiên, bạn phải xác minh được rằng chương trình đó hoạt động đúng như mong đợi khi nó được sử dụng theo các cách thông thường, bạn cũng nên kiểm tra để chắc rằng nó không làm những việc không tốt hoặc crash khi được sử dụng theo cách bất thường.
https://www.quora.com/If-you-were-hired-to-test-a-program-how-would-you-try-to-crash-it/answer/Michal-Fori%C5%A1ek
#fun #softwareEngineering #j2team_share #vmc
Hỏi: Kỹ thuật phần mềm vào năm 2022 sẽ như thế nào?
Trả lời: John Byrd, CEO Gigantic Software (2006-present)
========
Cần 20 phút mới chạy được “Hello world” do cả đống máy ảo ẩn phía sau, bộ thông dịch và hệ điều hành chậm vãi lúa. Để cải thiện điều này, Amazon sẽ cung cấp “Hello world as a service".
Sẽ có 20 ngôn ngữ mới được dịch thành JavaScript, cộng thêm 12 định nghĩa mới cho thuật ngữ “mixin”.
Một bitcoin giờ chỉ còn 0,0000002 USD. Giờ đây, bạn có thể có được một card đồ họa 3D cao cấp trên Ebay với giá siêu rẻ.
Một vài gã sẽ ra mắt bộ thông dịch Tiếng-Anh-thành-code và nhận được 10 triệu USD đầu tư bằng cách giả vờ như chương trình đó chưa hề ra mắt vào năm 2010.
Bạn sẽ vẫn cần phải cài lại Window mỗi năm một lần.
Linus Torvalds sẽ giết chết CEO nVidia, và truyền thông sẽ gọi đây là một bước đi táo bạo cho tương lai.
Một lỗi khác bị phát hiện trong OpenSSL để phát ảnh selfie nude trên các trang của ngân hàng Mỹ. Các lượt truy cập vào trang web của ngân hàng sẽ tăng lên 137% và lỗi ấy sau đó được đính chính lại như là một tính năng.
Chỉ còn có mười một người trên thế giới biết lập trình với assembly. Microsoft sẽ phát hành ấn bản thông báo rằng tất cả những mã hợp ngữ có thể có, đều đã tồn tại rồi.
Sẽ có khoảng 342,948 trò chơi kiểu ba-hiệp được phát hành dành cho Android và iOS. Chỉ có một game lọt vào được Top 10: “Kittens”. CEO công ty này sẽ nói “Mọi người đều thích mèo con cả, và chắc chắn họ sẽ thích những trận đấu ba hiệp giữa chúng”.
Scratch sẽ là ngôn ngữ được yêu cầu duy nhất nếu bạn muốn theo học khoa học máy tính. Ngôn ngữ lập trình dựa trên ký tự sẽ lỗi thời vì “trông xấu vãi ra”. Sinh viên theo học khoa học máy tính trong đại học sẽ có khả năng tốt nghiệp mà không cần biết đọc.
Có 500 tỷ thiết bị IoT (Internet vạn vật) kết nối tới internet. Không may, firmware cho tất cả những thiết bị ấy đều được cập nhật lần cuối vào năm 2018 và vì thế, 93,4% số thiết bị đó hiện đang đào bitcoin cho chính phủ Bắc Hàn. Đây là lý do chính khiến Bitcoin sập sàn vào năm 2021 (nhìn trên kia mà xem). Một tái bản của thiết kế của chiếc Mr Coffee năm 1970 trở thành thứ đồ được ưa chuộng được tái xuất bản, với một miếng dán lớn bằng vàng đề chữ “KHÔNG INTERNET!”.
Mặt khác, một nhóm sinh viên MIT sẽ phát triển một giao thức tầng 1 OSI có tên gọi “IP Qua Giọng Nói”. IP Qua Giọng Nói cho phép bạn định tuyến các gói IP bằng cách nghe và hét bảng chữ cái alphabet vào mặt người khác. Các sinh viên có thể mở một kết nối TCP thông qua Cầu Havard, nhưng họ không muốn phát một kết nối HTTP do “ngoài đó quá lạnh thôi mà”.
Trong năm 2022, mọi người sẽ có khả năng tạo ra các lỗi đa nền tảng và các lỗ hổng bảo mật nhanh hơn bao hết.
https://www.quora.com/What-will-software-engineering-be-like-in-2022/answer/John-Byrd-2
#j2team_share #computer_science #career #advice #vmc
Hỏi: Là một sinh viên khoa học máy tính, bạn đã học được điều gì khi đã quá muộn trong đời mình hoặc vào năm thứ tư của trường đại học?
Trả lời: Ashish Kedia, Kỹ Sư Giải Pháp Web tại Google, Hyderabad
===================
• Thời gian của lập trình viên đáng giá hơn nhiều thời gian của CPU. Bạn không nên tốn quá nhiều thời gian vào việc tối ưu code khi không cần thiết.
• Nếu bạn không học cách dùng những công cụ hoặc công nghệ mới trong khoa học máy tính, thực sự bạn đang hạ thấp giá trị của chính bản thân mình. Sự thay đổi trong ngành công nghiệp này là điều thường xuyên. Cập nhật mọi thứ lắm lúc rất không thoải mái nhưng là điều cần thiết
• Những khóa học bạn ghét nhất khi còn ở trường đại học có lẽ lại là những môn bạn sẽ cần để làm việc sau này nếu muốn tránh sự bế tắc trong sự nghiệp của mình.
• Với tư cách một lập trình viên, thi thoảng tất cả những gì bạn cần là thêm vài đôi mắt ngó vào cùng. Khi còn đi học, cái tôi của bạn quá cao để có thể nhờ người khác giúp đỡ. Tôi đã nhận ra rằng mình đã có thể tiến xa hơn nếu tôi tiết kiệm được một chút thời gian tại đó.
• Bạn có thể nghĩ ra được những thiết kế và thuật toán để giải những vấn đề phức tạp, nhưng nếu những giải pháp đó không gây được ảnh hưởng lớn thì chúng đều vô dụng. Hãy chắc chắn rằng bạn đã chọn đúng vấn đề để bắt tay vào làm.
• Việc đầu tư vào hiệu suất của chính bản thân bạn – định nghĩa / học tập những lối đi ngắn gọn, tự động hóa những tác vụ nhỏ, tối ưu tư thế làm việc của mình có thể giúp bạn tạo ra được sự ảnh hưởng tổng thể rất lớn. Đương nhiên, bạn không được trả tiền để làm những điều này nhưng chúng sẽ giúp công việc được trả lương của bạn nhẹ nhàng hơn.
• Những mối quan hệ, sự liên kết và kỹ năng mềm đều quan trọng như kỹ năng lập trình của bạn. Nói chung, bạn sẽ không tiến xa được nếu bạn cực kỳ thông minh nhưng đồng thời cũng lại cực kỳ thô lỗ.
https://www.quora.com/As-a-computer-science-student-what-did-you-learn-too-late-in-life-or-in-the-fourth-year-of-college/answer/Ashish-Kedia
Ảnh: Jade Raymond - Kỹ Sư Sony, Ubisoft
#j2team_share #Excel #Microsoft #fact #vmc
Hỏi: Có đúng là khoảng 4000 tính năng của Microsoft Excel không bao giờ được sử dụng không?
Trả lời: Don Dodge, Quan hệ Nhà phát triển tại Google (2009-nay)
==============
Tôi đã làm việc tại Microsoft trong vòng 5 năm và đã nhiều lần làm việc với nhóm Excel. Đúng là có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn các tính năng/hàm KHÔNG được phần lớn người dùng sử dụng. Song, bạn hãy cứ yên tâm rằng mỗi tính năng trong số đó là kết quả từ những yêu cầu của khách hàng.
Khi bạn tạo ra một thứ như Excel, một sản phẩm được hàng trăm triệu người trên toàn cầu với hàng triệu ứng dụng khác nhau, sẽ có những tính năng đối với các “trường hợp riêng” mà phần lớn người dùng đều chẳng thấy hứng thú.
Thông thường, một khách hàng lớn nào đó sẽ yêu cầu một tính năng khá khó hiểu mà họ cần có đối với nghiệp vụ độc nhất của mình. Họ sẽ dọa không mua bản mới, hoặc mua một thứ gì đó khác, trừ khi tính năng đó được bổ sung. Ngay cả đối với những trường hợp như vậy, Nhà Quản Lý Sản Phẩm cũng rất miễn cưỡng khi thêm tính năng đó vào. Nhưng trong suốt quá trình kéo dài 30 năm hoặc hơn thế, hàng ngàn tính năng và hàm đã được bổ sung vào. Và một khi được thêm vào, gần như không thể loại bỏ chúng đi do lo ngại gây ảnh hưởng tới khách hàng hiện tại. Chào mừng bạn đến với việc quản lý sản phẩm doanh nghiệp!
https://www.quora.com/Is-it-true-that-about-4-000-features-of-Microsoft-Excel-are-never-used/answer/Don-Dodge
#j2team_share #AI #Go #AlphaGo #vmc
Hỏi: Sao mọi người lại nghĩ rằng AI sẽ gây ra ngày tận thế khi chúng có thể được những người tạo ra chúng tái lập trình để ngăn ngừa việc trở nên nguy hiểm?
Trả lời: Steve Baker, Blogger LetsRunWithIt.com (2013-nay)
=============
Vấn đề là bạn đã giả thiết việc chúng ta tạo ra AI bằng cách “lập trình cứng” cho chúng - bằng cách viết hàng tỷ dòng mã lệnh có những thứ kiểu như “nếu mày đang cầm vũ khí nguy hiểm trong tay thì đừng có chĩa nó về phía con người”.
Tuy nhiên, AI lại không được lập trình theo cách đó.
Hãy xem cách mà thế hệ AI hiện tại đang chơi những game như Cờ vua và Cờ vây.
Khi “Deep Blue” (do IBM tạo ra) nổi tiếng từng đánh bại kiện tướng cờ vua (Kasparov) vào năm 1997, nó đã được “lập trình cứng” với một tập các luật “phỏng đoán” - mờ để nó tuân theo - trong đó có những thứ như “Một con tốt sẽ có giá hơn nếu nó tiến được sang nửa bàn cờ của đối phương” hay “Thông thường, mất mã tốt hơn là mất hậu” và (tất nhiên) “Thứ tồi tệ nhất trên đời có thể xảy ra là đặt con vua của bạn vào ô mà nó có thể bị quân đối phương ăn mất ngay trong nước tiếp theo” (ND - toán học có logic rõ: "1+1 = 2" là đúng tuyệt đối hay "1>3" là sai tuyệt đối và đồng thời có logic mờ: "hôm nay trời khá nóng", "bạn X khá xinh gái", AI hay Machine Learning dùng rất nhiều logic mềm trong đó để khai thác những thống kê mà nó có được)!! Những luật lệ đó thể hiện cách mà nhân loại đang chơi cờ vua - và hai đột phá chính đó là:
1. Máy tính đó có phần cứng đặc biệt cho phép nó đánh giá các vị trí của bàn cờ đối với một thế trận xác định theo cách cực kỳ nhanh. Nhờ đó, nó có thể tìm nhiều nước đi hơn trước đây nhiều.
2. Nó có thể điều chỉnh mức độ quan trọng trong phỏng đoán của mình - ví dụ việc ăn được quân tốt của đối phương chỉ quan trọng hơn vài phần trăm so với trước đây thôi.
Vì vậy, nhờ cách tinh chỉnh mức độ quan trọng (“trọng số”) của mỗi lần phỏng đoán, máy tính có thể học cách chơi kỳ cực kỳ tốt.
Deep Blue muốn đánh bại Kasparov trong lần thử thứ hai - nhưng chỉ với biên nhỏ nhất có thể - 3 1/2 thành 2 1/2.
Sau đó, hãy nhìn con “Alpha Go” do Google tạo ra cũng đánh bại được kiện tướng cờ vây - và bằng một biên lớn hơn NHIỀU. Từ đó, nó trở nên bất khả chiến bại.
Lý do là vì Alpha Go đã không được tạo ra từ BẤT KỲ tri thức game nào từng có trước đó. Nó dựa trên một công nghệ có tên là “Mạng Nơ-ron” hoạt động gần giống với não người.
Thậm chí còn chẳng có tri thức nào của game (kể cả các luật) được viết vào trong mã lệnh của nó. Thay vào đó, nó được nhìn thấy một số lượng lớn các game đã được con người chơi trước đó cho tới khi nó tự dạy luật cho chính bản thân mình. Sau đó, nó nhanh chóng chơi để đấu lại với người chơi thực - cho tới khi nó giỏi tới mức nó đánh bại tất cả bọn họ. Sau đó, đối thủ duy nhất đủ tốt để thách thức nó là phiên bản hôm qua của chính nó!
Alpha Go đã suy luận ra mọi thứ mà nó biết về Cờ vây bằng cách quan sát - và nó đã chơi những ván Cờ vây thực sự xuất sắc sau đó. Nhờ đánh bại được kiện tướng thế giới - các chuyên gia Cờ vây đã nhìn nó chơi - nó có một phong cách sáng tạo mà chưa người nào từng chơi trước đó... Vì một điều đó là, trong Cờ vây, chỉ cần hơn một “hòn” là thắng rồi - nhưng người chơi thì luôn muốn cực đại hóa biên chiến thắng của họ, vì thế họ cố chiến thằng bằng nhiều hòn. Alpha Go chiến thắng nhiều game hơn (đây mới là điều có ý nghĩa) nhưng lại bằng những biên nhỏ hơn. Việc đó cho phép nó đưa ra những quyết định rộng hơn nhiều so với những quyết định do con người đưa ra... Và nó chưa bao giờ được lập trình để làm việc này. Nó cũng đưa ra những bước đi mà ngay cả những người chơi giỏi nhất cũng đánh giá là chẳng có mục đích gì cả - mãi đến 50 nước tiếp theo, có một hòn đá nó đặt từ mãi nước thứ 3 mà lại nằm ở vị trí cực kỳ hoàn hảo đối với một kế hoạch giành chiến thắng.
Chẳng ai dạy nó những điều này... Tự nó suy luận ra được tất cả mọi thứ.
Vì thế nếu bạn muốn tái lập trình Deep Blue để (ví dụ) chiến thắng mà thậm chí không cần tới việc ăn mã của đối phương - bạn có thể làm được đấy. Tất cả những gì bạn cần làm là nhìn vào phần mềm của nó - tìm dòng mã lệnh đặt mức độ quan trọng của phỏng đoán “Cố ăn lấy mã của đối phương” - và biến nó thành một số âm thay vì số dương. Đột nhiên, Deep Blue vẫn có thể chơi cờ vua và lại có ác cảm với việc ăn mã của đối phương. Làm con số âm ấy nhỏ thêm nữa và bạn sẽ thấy nó khao khát ăn vua hơn là cố gắng ăn mã đối thủ.
Nhưng bên trong Alpha Go, KHÔNG AI biết nó đang làm cái gì. Tất cả những gì chúng ta có thể thấy một tấm bảng lớn gồm những con số ngẫu nhiên chỉ ra cách nó kích thích những nơ-ron kết nối với nhau.
Cũng giống hệt với việc bạn không thể tìm ra nơi nào trong não bộ của mình lưu trữ khái niệm “Con cá” - không có nơi nào trong Alpha Go lưu những mẩu tri thức về Cờ vây cả. Nếu bạn muốn Alpha Go KHÔNG BAO GIỜ chiếm lấy hòn đá của đối phương tại vị trí (8,5), thực sự là chẳng có cách nào làm được điều này cả.
Đây là một sức mạnh CỰC LỚN. Chính phần mềm cho phép Alpha Go chơi Cờ vây cũng đã được sử dụng để dạy nó chơi Super-Mario và những video game khác mà gần như... chẳng có tí thay đổi nào về phần mềm cả. Tính phổ quát này khiến phần mềm AI hiện đại hay ho đến điên rồ.
Vì vậy, đối với những AI được tạo ra từ mạng nơ-ron - không có nơi nào để nhét vào đó dòng mã “Đừng Giết Con Người”.
Tôi tin rằng giới hạn này là cách duy nhất để chúng ta có được những cỗ máy thông minh. Ta cần chúng có thể đưa ra được những thứ mà chúng ta chưa bao giờ nghĩ ra được - cũng như Alpha Go trở thành kỳ thủ giỏi bằng cách tự dạy chính nó rằng nó có thể thắng chỉ cần nhờ chênh lệch một hòn đá. Trong 2 500 năm mà con người chơi trò chơi này - chưa từng có ai nghĩ tới việc bạn có thể trở thành người chơi giỏi hơn nếu bạn ngưng quan tâm tới biên chiến thắng.
Nếu một AI đa mục đích thực sự trở thành hiện thực - chúng ta thực sự sẽ chẳng có cách nào để có thể điều khiển nó ở mức nhỏ lẻ. Mục tiêu mức rộng là tất cả những thứ chúng ta có thể hi vọng kiểm soát được...và có thể rất dễ mắc những lỗi sai lầm từ điều này. (ND - AI mục đích hẹp - ANI - narrow AI - hay còn gọi là AI đơn mục đích là những AI chỉ thực hiện một công việc cụ thể nào đó như trong y tế (chẩn đoán bệnh), trong giao thông (ô tô tự lái) còn AGI - General AI - AI mục đích chung, ngược lại có thể hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Dù ANI đã khá phổ biến song AGI thì vẫn còn hạn chế.)
https://www.quora.com/Why-do-people-think-AIs-will-cause-an-apocalypse-when-they-could-be-preprogrammed-to-be-stopped-before-becoming-dangerous-by-their-creators/answer/Steve-Baker-100
#j2team_share #fun_fact #vmc
Hỏi: Một vi xử lý trung tâm (CPU) có thể có hàng tỷ bóng bán dẫn, điều gì xảy ra nếu một vài bóng bị hỏng?
Trả lời: Will Parry, biết một chút về máy tính
========
Điều này xảy ra một cách rất phổ biến! Cách thức sản xuất cho CPU được gọi là "chia giỏ" (binning).
Intel luôn cố gắng tạo ra các chip i7. Tuy nhiên, đôi khi điều gì đó không mong muốn xảy ra trong quá trình sản xuất và không thể đáp ứng được hiệu suất mà họ đã quảng cáo. Ví dụ, có thể một trong những lõi (core) bị lỗi và không thể đảm nhiệm được các siêu luồng cần cho một chip i7, do đó, về cơ bản, họ đã hạ cấp cơ bản i7 thành i5 mà không cần siêu luồng. Vì vậy, họ loại bỏ các siêu luồng hyper cho tất cả các lõi (chứ không chỉ riêng lõi bị lỗi), hạ thấp xung nhịp xuống, loại bỏ một ít bộ nhớ cache, v.v. Cho đến khi họ đã biến một chip i7 lỗi thành một chip i5 với đầy đủ chức năng. Sau đó các chip i7 với các khiếm khuyết tồi tệ hơn sẽ được biến thành các chip i3 hoặc các chip Pentium hay Celeron, tùy thuộc vào lỗi mà nó mắc phải. Bằng cách này không có chiếc CPU nào bị phí phạm cả, mặc dù chúng bị lỗi. Bởi vì trừ khi một chip i7 bị lỗi rất nặng (ví dụ như tất cả các lõi không hoạt động), thì nó vẫn có thể hoạt động như một chip i5, i3, Pentium, hoặc Celeron.
Thực sự mà nói, các chip i5, i3, Pentium và Celeron đều là chip i7 bị lỗi ở các mức độ khác nhau.
(Chip Xeon không được bao gồm trong câu trả lời này vì chúng không được làm bằng cách xếp ngăn và dành cho một tầng lớp thấp hơn, do đó, một chip Xeon bị lỗi thì chỉ đơn giản là vứt đi).
(Khuyến cáo: quá trình chia giỏ thực sự của Intel phức tạp hơn thế này một chút, nhưng tất cả các công ty CPU và GPU đều chia giỏ những con chip của mình.)
https://www.quora.com/With-CPU-chips-having-billions-of-transistors-what-happens-if-a-few-go-bad/answer/Will-Parry-5
---
ND: hóa ra lâu nãy mình vẫn xài i7 mà k hay biết -_-